Nổ lực đưa tín dụng chính sách về gần dân
Với phương thức “Giao dịch gần nhà - giải ngân, thu nợ tại xã”, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Súp đã phối hợp tốt với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cấp huyện và cơ sở, các Tổ tiết kiệm và vay vốn hằng tháng tổ chức giao dịch tại điểm cố định UBND các xã, thị trấn trên địa bàn. Với sự linh hoạt trong các thức tổ chức thực hiện hoạt động giao dịch tại cơ sở, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện và người dân đang kết nối lại gần nhau hơn trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ
Hiện nay, NHCSXH huyện có 10 điểm giao dịch ở các xã, thị trấn trên địa bàn. Hàng tháng vào ngày giao dịch cố định, khi khách hàng đến trả nợ gốc, nhận tiền vay, gửi tiết kiệm hoặc có ý kiến, đề xuất liên quan đến các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai thực hiện trên địa bàn, thì cán bộ và nhân viên Ngân hàng kịp thời tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi và xử lý một cách nhanh chóng để các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận thuân lợi các nguồn vốn vay ưu đãi. Khi thực hiện hoạt động giao dịch, NHCSXH huyện phân công đầy đủ cán bộ tại các điểm giao dịch để thực hiện nhiệm vụ của tổ giao dịch. Vào ngày giao dịch tại xã, thị trấn cán bộ tín dụng được phân công theo dõi địa bàn, tham mưu cho Chủ tịch UBND xã, thị trấn, đồng thời phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp giao ban hàng tháng để đánh giá những kết quả thực hiện, giải quyết kịp thời những tồn tại vướng mắc, từ đó, đưa ra những phương hướng, giải pháp thực hiện cho tháng tiếp theo. Nhờ tổ chức tốt các phiên giao dịch lưu động, đến nay, NHCSXH huyện đã đạt tổng dư nợ khoảng 527 tỷ đồng.
Thực hiện giao dịch hàng tháng tại xã Ia Lốp
Theo đánh giá của UBND các xã, thị trấn, đến nay hoạt động giao dịch lưu động vào ngày cố định hàng tháng tại các xã, thị trấn cơ bản đáp ứng nguyện vọng của nhân dân; khi thực hiện hoạt động giao dịch, NHCSXH huyện đều trang bị đầy đủ điều kiện hoạt động, cũng như phối hợp với các cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn đảm bảo an ninh, an toàn và cung cấp các dịch vụ tiết kiệm cho người nghèo cũng như các đối tượng chính sách khác.
Xã Ia Lốp và Ia Rvê là xã vùng biên của huyện với quãng đường đi lại tương đối xa nhưng hàng tháng vào ngày cố định, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cũng đã tổ chức thực hiện tốt hoạt động giao dịch tại các địa phương này nhằm đưa hoạt động vay vốn đến gần dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giao dịch an toàn và tiết giảm chi phí đi lại trong quá trình vay vốn và sử dụng vốn vay. Cũng như từ hoạt động NHCSXH huyện có thể lồng ghép để trực tiếp kiểm tra vốn vay của người dân trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh…
Xác định phương thức quản lý vốn có ủy thác một số nội dung, công việc thông qua các tổ chức chính trị xã hội, đây là nhân tố quan trọng trong quản lý và triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Trước thực yêu cầu đó cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội phối hợp với NHCSXH thực hiện tốt hoạt động giao dịch cố định. Phương thức ủy thác có sự phân công, phân cấp trong quản lý nguồn vốn; các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, NHCSXH thành lập và quản lý hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền các cấp tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích.
Giải ngân vốn vay người dân Ya Tmốt ngay tại trụ sở UBND xã
Để đưa ngân hàng về gần dân, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng chính là cầu nối quan trọng để thực hiện chuyển vốn tin cậy cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo chia sẻ từ Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các xã, để tiếp sức cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn vay thì sau khi tiếp nhận hồ sơ các tổ trưởng đến tận từng hộ gia đình thẩm định và tham gia họp bình xét nếu đủ và đảm bảo các yêu cầu thì đề xuất cho vay.
Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đoàn Văn Quân cho biết: "Để hoạt động của ngân hàng gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã tổ chức tốt hoạt động của 10 điểm giao dịch tại UBND xã, thị trấn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng, tiết giảm chi phí, thời gian, đảm bảo công khai, minh bạch. Thông qua điểm giao dịch xã, thị trấn thì cấp ủy, chính quyền địa phương có điều kiện quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải quyết thấu đáo, kịp thời; từ đó, củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương".
Có thể khẳng định, điểm giao dịch tại các xã, thị trấn của NHCSXH huyện là cầu nối giúp hộ gia đình nghèo, đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, đem đồng vốn ưu đãi đến tay người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Chính nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực cùng những giải pháp của các cấp, ngành trên địa bàn huyện kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 38,35% và hộ cận nghèo còn 15,47% cuối năm 2023; đưa thu nhập bình quân đầu người tăng lên 28 triệu đồng. Thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã, thị trấn; tăng cường rà soát, cập nhật các văn bản, quy định, chính sách mới tại các điểm giao dịch để người dân nắm bắt, tiếp cận các nguồn vốn vay nhanh chóng.