Thứ tư, ngày 11 tháng 09 năm 2024
Thống kê hồ sơ
Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

Cập nhật lúc: 06/06/2024

Có phải Đảng cộng sản Việt Nam đang thất bại về công tác nhân sự và cán bộ như luận điệu của các thế lực thù địch hay không?

Thời gian gần đây, nhiều đại án lớn được đưa ra xét xử, nhiều cá nhân, cán bộ, đảng viên (trong đó có cả cán bộ cấp cao) bị kỷ luật, khai trừ khỏi Đảng, bị truy tố vì phạm tội. Chỉ tính riêng trong năm 2023, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng viên, tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 2 năm 2024, Trung ương đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. 2/3 đảng viên bị xử lý kỷ luật là do sai phạm từ nhiệm kỳ trước đó. Những con số đó đã ít nhiều đã ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân vào cán bộ và đội ngũ lãnh đạo. Các thế lực thù địch lợi dụng điều này để không ngừng công kích Đảng, Nhà nước, chế độ; đẩy mạnh tuyên truyền lôi kéo người dân ngả về phía chúng. Vậy vấn đề đặt ra là có phải "Đảng Cộng sản thiếu năng lực", "Đảng Cộng sản Việt Nam không thể phòng, chống được tham nhũng", Đảng Cộng sản đang “đấu đá nội bộ, thanh trừng phe phái, triệt hạ lẫn nhau”; “không bảo đảm dân chủ”? Và sự sàng lọc, thanh loại những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi hàng ngũ của Đảng có phải là dấu hiệu cho thấy "sự thất bại nặng nề của công tác nhân sự mà Đảng Cộng sản lãnh đạo"? 

123

Để làm rõ những câu hỏi ấy, trước tiên hãy bắt đầu từ quan điểm, chính sách về cán bộ của Đảng và Nhà nước ta.

Từ xa xưa trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, ông cha ta đã luôn trọng dụng nhân tài. Việc Vua Hùng Vương thứ sáu cho người đi tìm người tài giỏi để dẹp giặc Ân trong câu chuyện Thánh Gióng là một ví dụ điển hình cho chính sách trọng dụng nhân tài. Chiếu cầu hiền năm 1429 của Lê Lợi cũng có ghi: “muốn thịnh trị tất phải được người hiền, được người hiền phải do ở tiến cử. Cho nên, người làm vua phải lấy việc ấy làm đầu”. Triều vua Lê Thánh Tông cũng lưu truyền lịch sử về ý thức trọng dụng nhân tài, với lời văn bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội do Thân Nhân Trung soạn (năm 1484): “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Truyền thống ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển trong điều kiện vô cùng khó khăn khi đất nước đang chịu sự đô hộ của Chủ nghĩa thực dân. Để chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng, Người đã mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc), với đối tượng là những thanh niên ưu tú, rồi sau đó đưa về nước hoạt động tuyên truyền, tổ chức quần chúng, làm hạt nhân cho phong trào cách mạng. Ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Người yêu cầu các địa phương phải kịp thời báo cáo cho Chính phủ về người tài ở địa phương mình. Ngày 20-11-1946, Người lại viết: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân... muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết... Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”. Trong các văn kiện của Đảng Cộng Sản Việt Nam, quan điểm trọng dùng người tài đức cũng được thể hiện một cách cụ thể, nhất quán. Đại hội VI, Đại hội VII của Đảng nêu bật nhiệm vụ trung tâm của giáo dục quốc dân là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 của Ban Chấp hành trung ương khoá VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã nhấn mạnh: “Đặc biệt chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp từ trung ương đến cơ sở; cán bộ khoa học đầu ngành; cán bộ quản lý kinh doanh các doanh nghiệp lớn”. Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã nêu: “Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng. Tăng nguồn đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội vào phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài, trước hết trên ba lĩnh vực: lãnh đạo - quản lý, sản xuất - kinh doanh và khoa học - công nghệ”.  Đại hội XI đã nêu những quan điểm chỉ đạo: “Muốn tạo nên một tập thể vững mạnh phải xây dựng từng con người, quan tâm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài”; “Có chính sách trọng dụng trí thức, đặc biệt đối với nhân tài của đất nước”; “Hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ”; “Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức”. Đại hội XII yêu cầu phải “có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài”. Nghị quyết Đại hội XIII định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 nhấn mạnh “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”. Dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài do Bộ Nội vụ soạn thảo đặt mục tiêu từ năm 2021 - 2025, các ngành, lĩnh vực mũi nhọn được ưu tiên là chính trị và quản lý điều hành nhà nước; khoa học, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số, cơ sở dữ liệu, tự động hóa...; giáo dục; y tế; công nghệ sinh học; văn hóa, thể thao... Từ năm 2026 - 2030, nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2 - 5% trở lên; từ 10 - 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. Với phương châm “Bốn tốt”: Đãi ngộ tốt - Cơ hội thăng tiến tốt - Môi trường làm việc tốt - Để sáng tạo tốt, Dự thảo nhấn mạnh việc “có cơ chế đãi ngộ đặc biệt, tạo lập môi trường làm việc tốt để nhân tài phát huy năng lực, thể hiện tài năng cống hiến cho đất nước”; “có chính sách khen thưởng những cá nhân, tổ chức tiến cử, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng đúng nhân tài”; “xử lý nghiêm những hành vi lạm dụng quyền lực để gây cản trở, trù dập nhân tài...” (xem thêm http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210977). Gần đây trong bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “… Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”.

Picture1

 

Như vậy, có thể thấy rằng ờ bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, trong hoàn cảnh cụ thể nào, chúng ta đều rất coi trọng người tài, chú ý đến công tác cán bộ, coi đó là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Chính điều này đã góp phần quan trọng trong việc đưa đất nước ta ngày càng phát triển, tự tin, kiêu hãnh sánh vai với các nước trên trường quốc tế. Chỉ số minh bạch ngân sách Nhà nước tiếp tục được cải thiện. Theo kết quả Khảo sát ngân sách mở toàn cầu năm 2021 (OBS 2021) được Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế (IBP) công bố, chỉ số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tăng 9 bậc so với 2019, xếp hạng thứ 68 trên 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tăng trưởng kinh tế có bước tiến đáng kể, lấy số liệu năm 2023 làm ví dụ. Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38% (Cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 11,96%; 38,17%; 41,32%; 8,55%). Về sử dụng GDP năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,52% so với năm 2022, đóng góp 41,04% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 4,09%, đóng góp 26,64%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 2,54%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,33%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 32,32%. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022). Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn về du lịch, một địa điểm đầu tư đáng tin cậy của các doanh nhân. Về hoạt động dịch vụ năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2023 ước đạt 6.231 nghìn tỉ đồng, tăng 9,6% so với năm trước. Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022. 

Tuy vậy, trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự câu dẫn, móc nối, lôi kéo của các thế lực thù địch; một bộ phận cán bộ, đảng viên của chúng ta đã sa sút về nhân phẩm đạo đức, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật. Chính điều này đã và đang cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nhưng rõ ràng, đó hoàn toàn không phải là lỗi của chủ trương, đường lối, càng không phải là lỗi của cả một hệ thống mà nó thuộc về mỗi cá nhân, “những con sâu làm rầu nồi canh” cần phải bị xử lý nghiêm khắc. 

12

 

Ở đây cần phải nói thêm rằng “tham nhũng” không phải là sản phẩm của riêng chế độ xã hội chủ nghĩa, không phải là “con đẻ” của Đảng Cộng sản mà ở bất cứ chế độ nào, quốc gia nào cũng có. Ngay cả ở một quốc gia phát triển bậc nhất thế giới thì nạn tham nhũng vẫn hoành hành. Năm 2020 là năm thứ ba liên tiếp Chicago của Mỹ dẫn đầu về tham nhũng. Illinois là bang xếp thứ ba về tham nhũng khi có 31 trường hợp bị kết án tham nhũng khu vực công. Trong đó, 22 vụ ở phía Bắc của Illinois (bao gồm toàn bộ thành phố Chicago). Người ta thường nhắc tới hai vụ án chấn động ở đây. Một là vụ George Ryan (Thống đốc Illinois từ 1999 đến 2003, từng được đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2005), bị cáo buộc tham nhũng, hối lộ và gian lận khi chuyển những hợp đồng béo bở của tiểu bang cho Warner (nhà vận động hành lang) và bạn bè, người thân khác. Kết quả, ông này bị kết án 6 năm rưỡi tù giam. Thứ hai là vụ ông Rod Blagojevich, cựu Thống đốc bang Illinois, bị tuyên 14 năm tù giam vì tội tham nhũng, trong đó có tội định bán chiếc ghế Thượng Nghị sỹ Illinois bỏ trống sau khi ông Barack Obama đắc cử Tổng thống tháng 11/2008. Rõ ràng, việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ có ở nước ta. 

Như thế, cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn, không thể nói rằng Việt Nam đang thất bại trong công tác nhân sự, đang bất lực trong công cuộc chống tham nhũng như các thế lực thù địch từng rêu rao. Ngược lại, qua những vụ án lớn bị phanh phui và xử lý gần đây, chúng ta một lần nữa lại thấy thêm được sự quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng, trong công cuộc làm trong sạch tổ chức Đảng, xử lý nghiêm “không có vùng cấm”, không loại trừ bất cứ một cá nhân, tập thể nào. Điều đó không chỉ là thực thi nghiêm quy định Điều lệ Đảng, của Hiến pháp, pháp luật mà còn là biện pháp củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào chế độ, vào Đảng, vào Nhà nước và những người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Điều quan trọng là dám nghĩ, dám làm, dám nhận khuyết điểm và khắc phục. “Sức mạnh của Đảng, của mỗi đảng bộ và đảng viên không chỉ ở ưu điểm mà còn ở chỗ nhận rõ và sửa chữa bằng được những vấn đề tồn tại, những sai lầm, khuyết điểm và tự vượt lên chính bản thân mình” (xem thêm https://www.hochiminh.vn/tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/nghien-cuu-tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/noi-guong-bac-tu-soi-tu-sua-6731). Có thể nói Đảng ta đã và đang làm tốt công tác “tự soi, tự sửa” ấy. Điều này xuất phát từ sự nhận thức sâu sắc về tác hại của nạn tham nhũng, tiêu cực mang lại. Ngày xưa, vua Lê Thánh Tông từng nói “Nếu có cái gì đó làm cho muôn dân điêu linh, triều đình đổ nát ấy chính là nạn tham quan, lại nhũng”. Nhà bác học Lê Quý Đông cũng cho rằng trong số 5 nguy cơ làm mất nước thì nạn tham nhũng tràn lan xếp thứ tư. Tại Hội nghị BCH Trung ương khóa VII,  Đảng ta chỉ rõ 4 nguy cơ trong đó tham nhũng đứng thứ ba. Có thể nói rằng, việc xử lý các vụ việc thanh nhũng, làm trong sạch tổ chức Đảng, thanh lọc cán bộ thoái hóa, biến chất…thời gian qua chính là minh chứng cho việc quyết tâm thực hiện tuyên ngôn của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trước Nhân dân và bạn bè quốc tế. Điều này đã được bạn bè quốc tế ghi nhận. ''Tôi cho rằng những hành động mạnh mẽ này của Việt Nam rất đáng hoan nghênh, đặc biệt lần này là với ngay cả những quan chức cấp cao. Đây là một động thái tích cực và hy vọng rằng sẽ được duy trì. Điều này cũng giúp tăng hiệu quả trong hoạt động và quản lý doanh nghiệp của chúng tôi'', ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham Vietnam) đánh giá. Còn ông Thomas Bo Pedersen, Tổng Giám đốc Công ty Mascot Việt Nam và Lào thì cho rằng “…Đảng và Chính phủ phòng chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt và theo một cách có hệ thống. Tôi cho rằng đây là động thái đúng đắn và cho tôi hy vọng rằng tham nhũng, tiêu cực sẽ không diễn ra khi thấy Đảng và Chính phủ xử lý tham nhũng, tiêu cực quyết liệt như thế cũng như nhìn thấy hậu quả nếu tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh mới đây cũng là một quyết định đúng''…

94 năm qua kể từ khi Đảng Cộng sản ra đời và lãnh đạo quần chúng nhân dân làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước âm mưu và hành động xâm lăng của nhiều thế lực bạo tàn. Trong những thăng trầm của lịch sử, nhiều cán bộ, đảng viên đã phạm sai lầm, khuyết điểm, bị xử lý kỷ luật và truy tố. Tuy nhiên, điều đó không làm cho Đảng yếu đi, không có giá trị chứng minh sự sai lầm của Đảng và Nhà nước trong công tác cán bộ. Ngược lại, đó là điều hiển nhiên, tất yếu, là con đường chông gai mà chúng ta buộc phải trải qua để đất nước ngày một giàu mạnh, tốt đẹp hơn, để xã hội thật sự dân chủ, công bằng, văn minh và phát triển.

BÀI VIẾT CÓ SỬ DỤNG TƯ LIỆU THAM KHẢO TỪ CÁC TRANG WEB:

1.https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/ky-luat-19-can-bo-dien-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-quan-ly-dua-2-vu-an-vao-dien-bcd-trung-uong-theo-doi-chi-dao-119240201172400549.htm

2.https://congan.ninhbinh.gov.vn/nang-cao-canh-giac-truoc-luan-dieu-xuyen-tac-chong-pha-cong-tac-nhan-su-cua-dang-nha-nuoc-ta

3.https://tuyengiao.vn/chon-nguoi-tai-duc-trong-xay-dung-doi-ngu-can-bo-cua-dang-154100

4.http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210977

5.https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2023-119231229132458993.htm

6.https://tuoitre.vn/tang-truong-gdp-nam-2023-dat-5-05-20231229100412687.htm

7.https://thanhtra.com.vn/quoc-te/chicago-tiep-tuc-la-thanh-pho-tham-nhung-nhat-nuoc-my-197159.html

8.https://www.hochiminh.vn/tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/nghien-cuu-tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/noi-guong-bac-tu-soi-tu-sua-6731

9.https://www.youtube.com/watch?v=dDs6GxhgFIY

10.https://vtv.vn/chinh-tri/quoc-te-danh-gia-cao-no-luc-phong-chong-tham-nhung-cua-viet-nam-20220613054749723.htm

Lê Văn Hòa-Công an xã ya tờ mốt
In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang