Thứ sáu, ngày 17 tháng 01 năm 2025
Thống kê hồ sơ
Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

Cập nhật lúc: 19/12/2024

Đẩy mạnh công tác dân số và phát triển trên địa bàn huyện

Công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2024. Tạo tiền đề thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Thời gian qua, công tác truyền thông, giáo dục dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn huyện được tập trung đẩy mạnh và triển khai sâu rộng, thường xuyên từ các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện xuống tới các thôn, buôn, tổ dân phố. Với nội dung truyền thông tiếp tục chuyển trọng tâm từ chính sách DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển; chú trọng quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới. Triển khai có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình truyền thông Dân số đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 537/QĐ-TTg ngày 17/4/2020 và Quyết định số 1733/QĐ-UBND, ngày 03/8/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc ban hành Kế hoạch truyền thông Dân số tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030. Công tác truyền thông DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện đã có chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ, thực hành của các nhóm đối tượng trong việc thực hiện các hành vi có lợi về dân số, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ), góp phần nâng cao chất lượng dân số, phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, điều chỉnh tốc độ tăng dân số và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với tình trạng già hóa dân số.

Truyền thông lưu động tại xã vùng III - Cư KbangTruyền thông lưu động tuyên truyền công tác dân số KHHGĐ tại xã vùng III - Cư Kbang

Kết quả thực hiện chỉ tiêu về DS-KHHGĐ đạt được trong giai đoạn 2020-2024

Công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác DS-KHHGĐ, trong đó: Đã khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh quy mô dân số, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 10,2‰ (năm 2020) xuống còn 9,1‰ (năm 2024); Tỷ suất sinh thô từ 13,2‰ (năm 2020) xuống còn 12,4‰ (năm 2024); Tỷ lệ giới tính khi sinh giao động từ 104-106 bé trai/100 bé gái; Tỷ lệ sinh con thứ 3 từ 20,8% (năm 2020) giảm còn 20,4% (năm 2024); Tỷ lệ nhóm phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại từ 66,7% (năm 2020) tăng lên 68,2% (năm 2024); Tỷ lệ nhóm người cao tuổi từ 8,3% (năm 2020) tăng lên 10,2% (năm 2024); Tỷ lệ “nhóm phụ thuộc từ 0 - 14 tuổi” giảm mạnh, chiếm 22%; nhóm từ 15 - 59 tuổi chiếm 67,7%; nhóm từ 60 tuổi trở lên chiếm 10,2%. Những kết quả này góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thực hiện mục tiêu giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ vẫn còn một số hạn chế, đáng lưu ý là: Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở nên vẫn có chiều hướng tăng cao 20,4% (năm 2024), tình trạng Đảng viên vi phạm chính sách dân số vẫn còn xảy ra; Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh chưa đạt chỉ tiêu đề ra 24,4% (chỉ tiêu năm 2024: 57%); thực trạng tảo hôn vẫn còn đang diễn ra ở mức cao 41 trường hợp (năm 2020: 47 trường hợp). Hoạt động tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân chỉ dừng lại ở việc tư vấn, cung cấp kiến thức, thông tin, chưa đi sâu vào việc khám sức khỏe. Hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục về dân số tại một số thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm đối tượng còn hạn chế; nội dung truyền thông, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, chủ yếu tập trung vào KHHGĐ.

Khám SK người cao tuổi tại cộng đồngKhám sức khoẻ cho Người cao tuổi trên địa bàn huyện

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thực hiện công tác Dân số và phát triển giai đoạn 2025-2030

Nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện công tác Dân số và phát triển đó là cần tăng cường cung cấp thông tin về dân số và phát triển cho các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các ban, ngành: đưa chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch về dân số và phát triển vào Nghị quyết của Đảng uỷ-HĐND-UBND các cấp từ huyện đến cơ sở. Lồng ghép tổ chức các cuộc hội thảo, báo cáo chuyên đề, đối thoại về dân số và phát triển trên các phương tiện thông tin truyền thông. Tổ chức lồng ghép các nội dung dân số và phát triển vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước.

Phát huy vai trò của hệ thống chính trị huyện và các ban, ngành, đoàn từ huyện đến cơ sở tích cực tham gia truyền thông về dân số và phát triển; tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp, tập trung xây dựng các mô hình, hoạt động truyền thông toàn diện các nội dung về dân số và phát triển. Hàng năm, phối hợp tổ chức tập huấn, trao đổi chuyên đề, giao lưu, tọa đàm, hội thi, hội thảo, biên soạn bản tin, tài liệu truyền thông... cho các thành viên, hội viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên cơ sở và các nhóm đối tượng do các ban, ngành, đoàn thể quản lý. Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “Thôn, buôn, tổ dân phố không có người sinh con thứ ba trở lên”. Tổ chức các sự kiện truyền thông gây ấn tượng, thu hút đông đảo các đối tượng tham gia nhân Ngày Dân số thế giới (11/7), Ngày Quốc tế trẻ em gái(11/10), Ngày Quốc tế người cao tuổi(01/10), Ngày Dân số Việt Nam (26/12), Tháng hành động quốc gia về dân số…

Tiếp tục đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông về dân số và phát triển có chất lượng, đổi mới về nội dung và hình thức. Tiếp nhận và cung cấp đa dạng các sản phẩm truyền thông như: Sách mỏng, tờ rơi, đĩa, pa nô, áp phích, phóng sự, video clip, thông điệp truyền thông về dân số và phát triển để phục vụ truyền thông trực tiếp ở cơ sở và cung cấp cho nhóm đối tượng đích, nhóm đối tượng có tác động mạnh đến sự chuyển đổi hành vi. 

Thực hiện mổ bắt con tại TTYT huyệnCác Y, Bác sỹ Trung tâm y tế huyện thực hiện thành công ca mổ đẻ

Tham gia các cuộc thi sáng tác tranh, kịch bản, ca khúc, thơ ca, hò vè, triển lãm ảnh... về các nội dung mới của công tác Dân số do Trung ương và tỉnh tổ chức. Thường xuyên đăng tải thông tin, bài viết, video, ảnh hoạt động... trên các trạng mạng xã hội như facebook, zalo, TikTok, trang web của ngành Y tế, dân số, đẩy mạnh truyền thông về dân số trong tình hình mới, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Hàng năm đánh giá thực trạng và tình hình sử dụng sản phẩm, trang thiết bị, phương tiện truyền thông trong hệ thống dân số các cấp từ đó đề xuất trang bị thêm các sản phẩm, trang thiết bị, phương tiện truyền thông như tờ rơi, tờ gấp, tài liệu, máy chiếu, ti vi, âm li, máy ảnh, máy tính, loa... cho cơ quan, đơn vị làm công tác truyền thông dân số; ưu tiên các trang thiết bị, dụng cụ truyền thông cho các xã vùng đặc thù có mức sinh cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn,...

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp trong hệ thống dân số các cấp; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số, y tế cơ sở nhằm hình thành và duy trì bền vững hành vi tích cực về dân số và phát triển trong các tầng lớp nhân dân. Tổ chức các cuộc thi, hội nghị biểu dương, hội thảo, mít tinh, tuyên truyền cổ động, diễu hành, nói chuyện chuyên đề nhân các ngày kỷ niệm về dân số. Duy trì và đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn nhóm, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số, nhân viên y tế thôn, bản. Định kỳ tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng truyền thông, cập nhật thông tin về dân số và phát triển cho đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn, bản. Đẩy mạnh tuyên truyền tạo phong trào cho nhân dân thường xuyên luyện tập thể dục - thể thao, xây dựng lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, nhất là phụ nữ mang thai, trẻ em và người cao tuổi.

Mở rộng các hình thức truyền thông, giáo dục thân thiện với trẻ vị thành niên, thanh niên; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới.... Đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông: huy động sự tham gia, đóng góp phương tiện, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho công tác truyền thông về dân số và phát triển; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động truyền thông về dân số và phát triển.

Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ truyền thông trong hệ thống dân số và cán bộ truyền thông, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên ở các ngành, các cấp. Cung cấp thông tin, cập nhật về dân số và phát triển, chính sách, pháp luật mới ban hành; hướng dẫn nội dung truyền thông ưu tiên, thông điệp chuẩn của vấn đề, chủ đề về dân số cho các cơ quan truyền thông đại chúng, các cán bộ truyền thông dân số các cấp thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn, các chuyến đi thực tế.

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật; chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình truyền thông về dân số và phát triển.

Kế thừa và phát huy những thành công trong 63 năm Ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961 – 26/12/2024), Trung tâm Y tế huyện phấn đấu triển khai thành công Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt… Những điều này sẽ góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước và huyện biên giới Ea Súp nói riêng; phát huy lợi thế cơ cấu "dân số vàng", ổn định tình trạng người dân di cư tự do, nâng cao chất lượng cuộc sống của người đồng bào dân tộc thiểu số, giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo,…góp phần đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh./.

Trịnh Văn Thế-Trung tâm y tế huyện
In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang