Xã Ya Tờ Mốt nâng cao công tác thu lãi và uỷ thác NHCSXH
Xã Ya Tờ Mốt là xã đặc biệt khó khăn, có 06 thôn với 1.584 hộ với 5.477 khẩu, trong đó có 21 đồng bào dân tộc thiểu số cùng chung sống trên đại bàn xã. Người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, buôn bán nhỏ, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Với mục tiêu thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu về giảm nghèo. Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt luôn được NHCSXH huyện và cấp ủy, chính quyền xã quan tâm chỉ đạo nhằm góp phần thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách trên địa bàn. Cụ thể nhất là chính quyền địa phương trực tiếp và thường xuyên chỉ đạo các Hội – Đoàn thể tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi đến nhân dân để nhân dân nắm bắt thực hiện; chỉ đạo các thôn trong việc rà soát, bổ sung danh sách hộ đủ điều kiện vay vốn tín dụng chính sách để bình xét cho vay theo quy định.
Giao ban công tác ủy thác NHCSXH tại xã Ya Tờ Mốt
Tính đến ngày 30/8/2024 xã Ya Tờ Mốt thực hiện quản lý 50.866 triệu đồng nguồn vốn tín dụng thông qua 23 Tổ TK&VV của 4 Hội – Đoàn thể, với 11 chương trình tín dụng chính sách được triển khai; các chương trình cho vay tập trung vào: Cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn...
Theo báo cáo từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, doanh số cho vay 8 tháng trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt đạt hơn 12.279 triệu đồng; tỷ lệ thu lãi 8 tháng đạt hơn 2.775 triệu đồng. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp mà đến thời điểm hiện tại chất lượng tín dụng chính sách tại xã duy trì ổn định, ngày một nâng cao. Để đạt được các kết quả, thời gian qua NHCSXH huyện và trực tiếp là chính quyền địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, ngay từ đầu năm giao chỉ tiêu nâng cao chất lượng tín dụng cho các Hội – Đoàn thể nhận ủy thác, Tổ TK&VV và các thôn để triển khai thực hiện. Qua đánh giá, kiểm tra và giám sát, đa phần các hộ gia đình vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, một số hộ vay vốn bị thiệt hại rủi ro do nguyên nhân khách quan được UBND xã, các tổ chức Hội – Đoàn thể, thôn và Tổ TK&VV quan tâm, phân tích đánh giá, xử lý kịp thời theo quy định. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi mà hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã đã có vốn đầu tư, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, ổn định an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.
Hội LHPN xã thông báo kết quả hoạt động
Theo phân tích, đánh giá của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, bên cạnh những kết quả đạt được thì trong thời gian qua công tác thực hiện chương trình tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ được thực hiện tại xã vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế và cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Điển hình như việc thu lãi chưa đạt theo yêu cầu, còn để lãi tồn đọng; việc rà soát nhu cầu vay vốn của hộ dân chưa đảm bảo theo các nguyên tắc dẫn đến việc khi được giải ngân vốn vay người dân sử dụng không đúng mục đích; việc trả nợ gốc của hộ vay chưa đảm bảo theo thời gian quy định…
Chia sẻ về thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách thời gian tới tại xã Ya Tờ Mốt, ông Lê Văn Thịnh - Tổ trưởng tổ Kế hoạch Nghiệp vụ NHCSXH huyện, cán bộ phụ trách xã Ya Tờ Mốt trao đổi và yêu cầu các Hội – Đoàn thể nhận uỷ thác, các Tổ TK&VV trên địa bàn xã cần tiếp tục bám sát kế hoạch của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, sự chỉ đạo của chính quyền địa phương để làm tốt công tác tín dụng chính sách ưu đãi; tập trung thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến cũng cố Tổ TK&VV hoạt động không hiệu quả; các Hội – Đoàn thể, các Tổ TK&VV tăng cường xuống từng hộ gia đình để vận động thu lãi, tránh để lãi tồn đọng; rà soát các hộ không có ở địa phương để có hướng xử lý; tổ chức các cuộc họp bình xét cho vay đảm bảo công khai đúng đối tượng thụ hưởng từng chương trình tín dụng, tránh xảy ra trường hợp làm hồ sơ cho vay không đúng theo yêu cầu; đồng thời tích cực tuyên truyền vận động người dân địa phương có nguồn vốn nhàn rỗi tham gia gửi tiết kiệm vào NHCSXH tại điểm giao dịch xã tạo nguồn vốn để cho vay tại địa phương.